Hội nghị đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL
Ngày 17 và 18 tháng 6 năm 2019, đại diện BGR đã tham dự chuỗi sự kiện đánh giá hai năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó chiều ngày 17 tháng 6, Cố vấn trưởng Dự án đã tham dự Lễ công bố và bàn giao các sản phẩm ngành tài nguyên và môi trường cho 19 tỉnh đồng bằng Nam Bộ do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì.
Tham dự lễ bàn giao có 300 đại biểu đại diện cho lãnh đạo các tỉnh đồng bằng Nam bộ trong đó có 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Các đại biểu đã nghe phần trình bày của các đơn vị bao gồm Dự án “Công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước và hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng thông tin quan trắc tài nguyên nước của đồng bằng sông Cửu Long” của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia; “Báo cáo về kết quả quan trắc sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh” của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; “Báo cáo công tác vận hành và phát triển Trạm tác động môi trường Vùng Tây Nam Bộ phục vụ công tác đánh giá, cảnh báo, dự báo môi trường” của Tổng cục Môi trường; “Công bố sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” của Tổng cục Khí tượng Thuỷ Văn. Đáng chú ý, kết quả quan trắc của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý trong 12 năm qua cho thấy tốc độ sụt lún đất đáng báo động tại đồng bằng sông Cửu Long, trung bình khoảng 1 cm/ năm. Số liệu này cũng tương đối trùng khớp với số liệu InSAR mới thu thập gần đây của BGR và GIZ.
Cùng với các sản phẩm bàn giao của Trung tâm, Dự án đã bàn giao một số sản phẩm bao gồm các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về địa chất thủy văn tại các khu vực Dự án tại đồng bằng sông Cửu Long, sổ tay hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước và ấn phẩm Quản lý nước dưới đất tại các đới ven biển và một số sản phẩm truyền thông cho 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước phiên họp toàn thể chiều ngày 18 tháng 6, sáng 18 tháng 6, đã có bốn phiên thảo luận chuyên đề do các Bộ liên quan chủ trì. BGR đã tham gia Diễn đàn chuyên đề 01: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương, các đối tác phát triển. Trong số 17 bài trình bày và tham luận của đại diện các cơ quan tổ chức tham dự Hội nghị, BGR đã trình bày thông điệp của cộng đồng các nhà tài trợ liên quan đến vấn đề quản lý nước (dưới đất) và sụt lún nền đất tại đồng bằng sông Cửu Long. Thông điệp trên đã được Bộ TNMT, các cơ quan thẩm quyền địa phương cũng như các đại biểu chú ý đặc biệt.
Chiều ngày 18 tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành phiên thảo luận toàn thể đánh giá kết quả thảo luận do các Bộ trưởng tổng hợp báo cáo. Thủ tướng khẳng định việc ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế – xã hội trong toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối, phát triển giữa các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối của Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cũng như sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết như chưa có thể chế điều phối vùng, liên kết vùng, chưa có cơ chế để các địa phương giải quyết được những vấn đề liên vùng.
Thủ tướng cũng đưa ra các giải pháp thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới bao gồm các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng và mang tính bền vững.
Trong hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, như Quyết định 417 về Chương trình Mực tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, trong đó phê duyệt điều chỉnh, bổ sung xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 tại tám tỉnh, thành phố bao gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đáng chú ý, Chương trình sẽ hỗ trợ vùng ĐBSCL 28 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu và trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển và xây dựng hệ thống phòng chống xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển. Chương trình được bố trí 3.700 tỷ đồng kinh phí thực hiện.