Hội thảo lập kế hoạch tiền đề cho Dự án mới 2015 – 2016

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, tại khách sạn Hà Nội Club, Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên thiên nhiên CHLB Đức (BGR) đã phối hợp với Trung tâm quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) tổ chức Hội thảo lập kế hoạch tiền đề cho dự án mới từ 2015 – 2016.

Tham gia hội thảo gồm có đoàn chuyên gia Đức ông Jens Boehme – Cố vấn trưởng Dự án IGPVN, bà Christiane Molt – Điều phối viên dự án tại Hannover – Đức, TS. Roland Baeumle – Chuyên gia địa chất thủy văn, bà Dorit Lehrack – Tư vấn độc lập, TS. Tống Ngọc Thanh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách NAWAPI cùng đại diện các phòng ban, trung tâm và liên đoàn trực thuộc NAWAPI.

s61

TS. Tống Ngọc Thanh – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Trung tâm phát biểu tại Hội thảo

Chủ đề của Hội thảo bao gồm tình hình thực tế và các yêu cầu đặt ra với vấn đề quản lý tài nguyên nước, các can thiệp để tăng cường năng lực quản lý bảo vệ tài nguyên nước ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài trình bày của TS. Roland Baeumle đã cụ thể hoá một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng. Các vấn đề chung về nước dưới đất tại ba tỉnh trên bao goomg: 1) cơ chế bổ cập nước dưới đất chưa được hiểu biết đầy đủ, 2) trữ lượng nước dưới đất chưa được đánh giá chính xác, 3) việc khai thác quá mức ở tầng qp làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, sụt lún đất và nguy cơ giải phóng Asen từ các lớp cách nước gây ô nhiễm các tầng chứa nước dưới sâu vốn được xem là không bị nhiễm Asen. TS. Baeumle cũng đề xuất một số nội dung cần tiến hành trong giai đoạn tiếp theo của dự án bao gồm đánh giá tổng hợp chế độ dòng chảy và mối liên hệ giữa các tầng chứa nước trong khu vực, xác định các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao thấp khác nhau và xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật giúp khai thác an toàn nước dưới đất tại các vùng ven biển của Việt Nam.

s62

Ông Jens Boehme – Cố vấn trưởng Dự án IGPVN phát biểu tại Hội thảo

Bà Dorit Lehrack tóm lược các nội dung can thiệp của Dự án gồm 3 lĩnh vực chính: hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức. Tập trung thực hiện thành công 3 nội dung này sẽ giúp NAWAPI tăng cường được năng lực chuyên môn kỹ thuật và xây dựng được mạng lưới hợp tác với các cơ quan tổ chức có liên quan.

Tiến sĩ Tống Ngọc Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sự cần thiết phải xác định giới hạn khai thác an toàn cho mỗi vùng để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách quản lý bảo vệ tài nguyên nước tại mỗi tỉnh. Theo ông Thanh, các kết quả của dự án cần hết sức cụ thể dễ áp dụng vào thực tiễn quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam.

s64

Toàn cảnh Hội thảo

Sau một ngày làm việc, hội thảo đã đi đến thống nhất về một số vấn đề sau:

Tên của Dự án trong giai đoạn tiếp theo: Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các nội dung chính của dự án: Giai đoạn tiếp theo của Dự án dự kiến sẽ được triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (chưa xác định tại những tỉnh nào) nhằm xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và công tác quản lý tài nguyên nước. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Dự án cần thực hiện, cụ thể là cải thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại các vùng của Dự án; đánh giá hiện tượng xâm nhập mặn, sụt lún đất do khai thác; xác định ranh giới mặn – nhạt, nguồn nước thay thế; áp dụng các phương pháp tiên tiến để tính toán trữ lượng khai thác an toàn. Ngoài ra, các hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực và trang bị kỹ thuật cho NAWAPI cũng rất cần thiết. Nâng cao trình độ nhận thức về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước cho các cán bộ của NAWAPI và các Sở TNMT cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tài nguyên nước cũng được xác định là một nội dung không thể thiếu của Dự án sắp tới.

s63

Các Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các kết quả thảo luận trong hội thảo này sẽ là căn cứ cơ bản để xây dựng một đề cương dự án trình lên các cơ quan hữu quan của CHLB Đức và Việt Nam để phê duyệt.

(IGPVN)

You may also like...