Lấy mẫu nước lần thứ hai ở U Minh
Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR) và Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI), Việt Nam đã thống nhất tiến hành một số nghiên cứu về các đặc trưng địa chất thủy văn ở Cà Mau. Một trong các hoạt động này bao gồm đợt lấy mẫu nước ở Thị trấn U Minh vào tháng 9/2016. Trong ba ngày từ 29 đến 31 tháng 3 năm 2017, Dự án IGPVN đã tiến hành lấy mẫu nước lần thứ hai ở U Minh.
Mẫu nước ngầm được lấy từ 3 giếng quan trắc của Dự án IGPVN thuộc các TCN n22, qp1 và qp2–3; một giếng khai thác tập trung của trạm cấp nước U Minh thuộc tầng qp1; một giếng khai thác của xưởng sản xuất nước đá thuộc tầng qp1 và hai giếng khai thác của xưởng sản xuất nước đóng chai thuộc tầng n22 và qp1. Ngoài ra, hai mẫu nước mặt cũng đã được thu thập tại sông U Minh và kênh Cái Tàu.
Trình tự lấy mẫu tương tự như lần lấy mẫu lúc trước: mực nước, lưu lượng bơm và các thông số hóa lý (pH, EC, DO, nhiệt độ) được đo ghi tại hiện trường.
Nước trong giếng được bơm xả cho đến khi các thông số hóa lý đạt giá trị ổn định rồi mới tiến hành lấy mẫu. Nước từ giếng khai thác được lấy trực tiếp từ vòi. Sau khi lấy mẫu, mẫu nước được tiến hành chuẩn độ với các dung dịch HCl và NaOH để xác định các thành phần cacbonat.
Mẫu nước được gửi đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm Tp Hồ Chí Minh (CASE) để phân tích xác định các thành phần ion chính (Na+, K+, Mg2+, Ca2+, Cl−, HCO3−, SO42−) và một số thành phần vết như Br–, F– và kim loại nặng.
So với đợt lấy mẫu lần trước, lần này không chỉ thành phần đồng vị bền (2H, 18O) của mẫu nước sẽ được phân tích mà cả các đồng vị của Cacbon (13C và 14C) cũng sẽ được xác định để giúp định tuổi nước dưới đất. Các phân tích này sẽ được tiến hành tại Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân (INST) tại Hà Nội.
Quy trình lấy mẫu 14C tại hiện trường gồm nhiều bước khác nhau, do một cán bộ của INST trực tiếp tiến hành. Ban đầu, nước ngầm được bơm vào một thùng chuyên dụng có thể tích tương đối lớn. Mẫu nước ngầm được kiểm tra pH ban đầu, sau đó được kiềm hóa bằng NaOH để tăng pH lên đến 10-11. Sau đó, dung dịch bari clorua dư được thêm vào mẫu nước để kết tủa hết thành phần cacbonat hòa tan, hình thành kết tủa bari cacbonat lắng xuống đáy thùng.
Trong thời gian khoảng 60-90 phút, kết tủa bari cacbonat lắng hết xuống đáy thùng và được chiết tách ra qua một van xả. Phần kết tủa này được chứa vào can nhựa, đậy kín và chuyển đến phòng thí nghiệm.
Chi tiết và đợt lấy mẫu này có thể xem trong Báo cáo hoạt động của IGPVN tại đây.
Sau khi việc phân tích thành phần hóa học và thành phần đồng vị của các mẫu nước lần lượt hoàn tất vào cuối tháng 4 và tháng 5, kết quả phân tích sẽ được xem xét và diễn giải để tăng cường hiểu biết về hóa học nước dưới đất, các chỉ thị cho quá trình xâm nhập mặn và nguồn gốc nước dưới đất trong vùng nghiên cứu.