Chuyến thăm và bàn giao sản phẩm của Dự án IGPVN tại Cà Mau
Trong khuôn khổ tuần lễ tổng kết và bàn giao sản phẩm của Dự án IGPVN cho các tỉnh ĐBSCL, ngày 21 và 22 tháng 6 năm 2022, đại diện Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) và nhóm chuyên gia Dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN) đã có chuyến thăm và bàn giao tại thực địa cho Sở TN&MT tỉnh Cà Mau các công trình quan trắc và cấp nước do dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Cụm giếng gồm 5 giếng quan trắc mực nước dưới đất tại Thị trấn U Minh, huyện U Minh đã được Dự án IGPVN đầu tư xây dựng từ năm 2016 và được lắp đặt các thiết bị đo ghi dữ liệu tự động (Diver đo ghi áp suất thủy tĩnh và Baro đo ghi áp suất không khí) của nhà sản xuất Van Essen Instrument. Từ tháng 1 năm 2021, Dự án đã triển khai lắp đặt các hệ thống thiết bị quan trắc truyền dữ liệu tự động (Dipper-PT và Slimcom của nhà sản xuất SEBA) tại 3 trong số 5 giếng ở đây. Đến nay, các thiết bị đều vận hành ổn định, tự động đo ghi dữ liệu mực nước và định kỳ truyền dữ liệu về máy chủ.
Chuyên gia Dự án đã cung cấp tài liệu hướng dẫn đồng thời hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ của Sở TN&MT Cà Mau cách thức sử dụng, vận hành hệ thống thiết bị quan trắc này. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Dự án sẽ tiếp tục tổ chức khóa tập huấn nhắc lại cách thức sử dụng, vận hành hệ thống thiết bị quan trắc cho cán bộ của cả 3 Sở TN&MT các tỉnh; đồng thời tiếp tục hỗ trợ Sở TN&MT trong việc vận hành các công trình quan trắc.
Nhằm hỗ trợ công cuộc triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 24/2016/TT-BTNMT về xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Dự án IGPVN đã thực hiện một nghiên cứu khả thi về thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác NDĐ phục vụ mục đích sinh hoạt. Mô hình thí điểm công trình bảo vệ miệng giếng đã được Dự án IGPVN thiết kế và xây dựng tại 2 trạm cấp nước tập trung nông thôn ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nươc và ấp Cái Su, xã Hòa Tân, TP. Cà Mau.
Với đặc điểm địa chất thủy văn của Cà Mau và khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước sâu ở đây, việc xây dựng công trình bảo vệ miệng giếng sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước hơn là việc khoanh vùng bảo hộ vệ sinh theo khoảng cách cố định tính từ miệng giếng theo quy định của Thông tư 24/2016/TT-BTNMT. Mô hình thí điểm này cần được Sở TN&MT phổ biến rộng rãi cho các chủ công trình khai thác nước dưới đất phục vụ mục đích sinh hoạt triển khai áp dụng.