Hội thảo: Bàn giao các kết quả của dự án Igpvn cho tỉnh Quảng Ngãi

qua_jenNằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án, ngày 25 tháng 4 năm 2014, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang Đức (BGR), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI) và Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp tổ chức Hội thảo Bàn giao Kết quả của Dự án IGPVN cho tỉnh Quảng Ngãi.

Hơn 30 đại biểu đại diện cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi trong đó có đại diện lãnh đạo Sở, Phòng Tài nguyên nước – Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Trắc địa và Quan trắc tài nguyên môi trường, Chi Cục Bảo vệ Môi trường, lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia TGĐ TS. Tống Ngọc Thanh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hợp tác Quốc tế đồng thời là Phó Giám đốc Dự án TS. Vũ Thanh Tâm cùng các Chuyên gia của Viện BGR và Nhóm Dự án IGPVN đã tham dự Hội thảo.

IMG_7576

Cố vấn trưởng Dự án ông Jens Boehme có một bài phát biểu ngắn trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng quan trắc nước dưới đất và vấn đề sử dụng số liệu quan trắc trong quá trình ra quyết định. Chuyên gia Dự án khuyên tỉnh nên đầu tư thêm kinh phí để duy trì quan trắc Thường xuyên và phòng tránh tất cả các nguy cơ có thể gây ô nhiễm nguồn nước.

TS. Tống Ngọc Thanh đánh giá những nguy cơ ô nhiễm đối với tài nguyên nước của tỉnh Quảng Ngãi. Ông cho rằng tài nguyên nước của Quảng Ngãi điển hình cho tài nguyên nước khu vực Nam Trung Bộ. Quảng Ngãi nằm trong khu vực có đặc điểm sông ngắn, độ dốc cao, đồng bằng ven biển trầm tích nông, nước mặt ít, các tầng chứa nước mỏng và nông dễ bị tác động bởi nước mưa, nước mặt và do đó có nguy cơ ô nhiễm cao. TS. Tống Ngọc Thanh cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì vận hành mạng quan trắc nước dưới đất do Dự án IGPVN xây dựng trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Ông hy vọng, với đội ngũ cán bộ đã được Dự án tập huấn, Quảng Ngãi sẽ có đủ khả năng để vận hành mạng lưới và sử dụng tốt dữ liệu quan trắc giúp công tác quản lý nguồn nước dưới đất tốt hơn.

Tại Hội thảo Nhóm Cán bộ Kỹ thuật của Dự án cũng đã trình bày phương pháp tiếp cận, cách thức giải quyết vấn đề và những kết quả chủ yếu đã đạt được của Dự án tại Quảng Ngãi.

mohinh

Hình trên mô tả một trong các phương pháp tiếp cận của Dự án IGPVN. Theo đó, sẽ có 4 cấp độ công tác cần thiết cho một mô hình quản lý tốt bao gồm: Quan trắc và thu thập dữ liệu, quản lý và xử lý dữ liệu, phân tích và đánh giá và tư vấn chính sách tài nguyên nước. Mặc dù Dự án IGPVN chưa hoàn thành tất cả các cấp độ công tác trên xong đây sẽ là cơ hội để Sở TNMT Quảng Ngãi tiếp tục tự hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý vận hành mô hình. Ý thức được hiện trạng và sẵn sàng chủ động đương đầu với các vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là một trong những dự định của IGPVN.

IMG_7597

Trong sự chứng kiến của toàn bộ đại biểu, đại diện cho Dự án IGPVN, Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh và đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi ông Phí Quang Hiển đã ký Biên bản Ghi nhớ thể hiện các kết quả chủ yếu của dự án, danh sách trang thiết bị và mạng quan trắc nước dưới đất do Dự án xây dựng cho tỉnh. Các kết quả này sẽ chính thức thuộc quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi sau khi hai bên ký thỏa thuận.

Thay mặt cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở đã cảm ơn sự đóng góp của Dự án đối với tỉnh. Sở TNMT Quảng Ngãi cam kết sẽ tiếp tục duy trì vận hành mạng quan trắc, tận dụng tốt các kết quả của Dự án và không ngừng nâng cao năng lực để quản lý tốt hơn tài nguyên nước dưới đất trong địa bàn tỉnh.

(IGPVN)

 

You may also like...