Bơm thí nghiệm kết hợp thả chất chỉ thị tại U Minh
Trong ngày đầu tiên của năm mới 2017, hoạt động bơm thí nghiệm kết hợp thả chất chỉ thị tại U Minh đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một mốc quan trọng trong hợp tác nghiên cứu địa chất thủy văn của Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN).
Hoạt động bơm thí nghiệm kết hợp thả chất chỉ thị diễn ra trong 18 ngày, bao gồm hoạt động hút nước liên tục với lưu lượng nhất định tại giếng bơm (IGPVN1), đồng thời quan sát mực nước tại 4 giếng quan sát (IGPVN 1.1 – 1.4). Khi mực nước trong giếng bơm đạt trạng thái ổn định, tiến hành bơm chất chỉ thị Amino-G-acid vào giếng IGPVN 1.1 và chất chỉ thị Fluorescein vào giếng IGPVN 1.4 tại vị trí ống lọc của 2 giếng, độ sâu phân bố từ 161 đến 197 m thuộc tầng chứa nước n22. Hai giếng quan sát này hợp với giếng bơm một góc xấp xỉ 90o, có khoảng cách lần lượt đến giếng bơm là 10 và 23 m.
Nước từ giếng bơm được kết nối chảy qua thiết bị Fluorometer, thiết bị này ghi nhận bước sóng sau đó gửi tín hiệu đến thiết bị phân giải tự động data-logger, kết quả được xuất ra và thể hiện trên màn hình máy tính là nồng độ (ppb) hai chất chỉ thị. Song song với quá trình ghi nhận chất chỉ thị tự động bằng thiết bị Fluorometer, tiến hành lấy mẫu nước với quy trình là 1 giờ một mẫu, tổng số mẫu thu thập là 324 mẫu. Các mẫu nước này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm ở Đức để phân tích nồng độ chất chỉ thị. Dự án cũng tiến hành lấy mẫu nước cho hoạt động phân tích thành phần hóa cơ bản và đồng vị bền của tầng chứa nước nghiên cứu.
Nồng độ thu hồi của chất chỉ thị Fluorescein là 86%, kết quả này đảm bảo tính khách quan của số liệu, cũng như kỳ vọng ban đầu. Công tác đo phục hồi mực nước trong các giếng được tiến hành trong 3 ngày sau đó.
Bên cạnh đó, trong quá trình bơm thí nghiệm, các giá trị pH, EC và nhiệt độ nước cũng được ghi nhận bằng thiết bị đo đa chỉ tiêu WTW. Đặc biệt là một thiết bị đo ghi tự động độ dẫn đã được sử dụng để quan trắc EC tại ống lọc của giếng IGPVN 1.2, ở độ sâu 130 m, trong tầng chứa nước qp1.
Thí nghiệm bơm kết hợp thả chất chỉ thị ghi nhận kết quả khảo sát tại hiện trường rất khả quan của chất chỉ thị Fluorescein. Tuy nhiên, kết quả phân tích nồng độ chất chỉ thị Amino-G-acid trong phòng thí nghiệm là cần thiết bởi vì thiết bị Fluorometer không thể phát hiện tốt chất chỉ thị này do giá trị nền khá cao và tương tác với tín hiệu của Fluorescein. Các kết quả từ thí nghiệm này sẽ giúp tính toán được các thông số thủy lực và cung cấp thông tin về nguồn nước ngầm của vùng nghiên cứu.
Dự án đã chuyển giao và đào tạo kỹ thuật thí nghiệm bơm kết hợp thả chất chỉ thị cho các kỹ sư của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS). Các kỹ sư sau thời gian làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia dự án đã làm chủ được các bước thực hiện và sử dụng thiết bị ghi nhận số liệu. Họ có thể tự thực hiện thí nghiệm này cho các nghiên cứu tương tự trong tương lai.
Sau cùng, Dự án IGPVN muốn gửi lời cảm ơn tới các bên liên quan đã hỗ trợ hoàn thành công tác bơm thí nghiệm và thả chất chỉ thị trong tầng chứa nước. Chúng tôi xin cảm ơn sự hỗ trợ của Sở TNMT tỉnh Cà Mau, UBND huyện và thị trấn U Minh, trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình cùng các giáo viên và học sinh của trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng xin cảm ơn Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI) đã phối hợp thực hiện các hoạt động thực địa, đặc biệt là tổ bơm làm việc tại hiện trường.