Khóa học mô hình SEAWAT, quản lý các tầng chứa nước ven biển khu vực châu Á Thái Bình Dương
Công tác nghiên cứu, quản lý các tầng chứa nước duyên hải ở Việt Nam và các nước tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đặt ra nhiều thách thức. Giải pháp mô hình dòng chảy cùng với mô đun SEAWAT là công cụ giúp cho việc nghiên cứu và quản lý trở nên hiểu quả. Hiểu được vấn đề này, dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) đồng hành và tài trợ cho các học viên đến từ “Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc Gia” (NAWAPI), cũng như các liên đoàn trực thuộc, tham gia khóa học mô hình SEAWAT trong khuôn khổ của Hội thảo APCAMM 2017 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Đà Nẵng (15-19/07/2017). Đây là hoạt động nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ của NAWAPI – là một trong các mục tiêu của Dự án IGPVN.
Trong hai ngày 15 và 16 tháng 7 năm 2017, khóa học mô hình SEAWAT được tổ chức tại giảng đường chính nằm trong khuôn viên Trường đại học Đà Nẵng, số 41 đường Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Khóa học nằm trong chương trình nghị sự thường kỳ hai năm một lần của “Hội thảo về quản lý các tầng chứa nước duyên hải châu Á Thái Bình Dương” (APCAMM) lần thứ 5.
Tham dự khóa học ngoài các cán bộ của NAWAPI còn có các nghiên cứu sinh từ các trường đại học trong nước như Đại học Đà Nẵng, Đại học Tài nguyên và Môi trường, đại học Huế, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Trà Vinh. Khóa học cũng thu hút sự tham gia của các nghiên cứu sinh đến từ đại học Đông Á (Hàn Quốc), đại học Phu Kẹt (Thái Lan).
Giảng viên giảng dạy là TS. Weixing Gou thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), đồng tác giả phát triển lý thuyết SEAWAT code và PGS., TS Phạm Quy Nhân, phó hiệu trưởng Trường đại học tài nguyên môi trường.
Trong ngày đầu tiên của khóa học, các học viên được giới thiệu về lý thuyết nghiên cứu xâm nhập mặn và các mô đun SEAWAT, MODFLOW, MT3DMS, phần mềm Visual MODFLOW. Cơ sở lý thuyết của SEAWAT, sử dụng SEAWAT trong mô phỏng dòng chảy có tỉ trọng thay đổi. Các học viên được thực hành với phần bài tập “Vấn đề Henry” trên phần mềm Visual MODFLOW.
Ngày thứ hai bắt đầu với phần ứng dụng SEAWAT trong nghiên cứu địa chất thủy văn, phát triển một mô hình SEAWAT. Các học viên được thực hành với phần bài tập “Vấn đề Elder”.
Trong phần còn lại của khóa học là các trường hợp ứng dụng mô hình SEAWAT trong các nghiên cứu xâm nhập mặn ở các tầng chứa nước duyên hải. Các học viên tích cực tham gia với nhiều nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Arập Saudi. Những đề tài nghiên cứu được trình bày và thảo luận sôi nổi. Ngoài ra, rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng mô hình MODFLOW, MT3DMS, SEAWAT cũng được trao đổi và giải đáp từ các giảng viên.
Khóa học kết thúc với phần trao giấy chứng nhận tham gia cho các học viên và chụp hình lưu niệm. Thành công lớn nhất của khóa học này là cung cấp kiến thức nghiên cứu về xâm nhập mặn sử dụng mô hình SEAWAT. SEAWAT là một lựa chọn tốt khi nghiên cứu các tầng chứa nước ven biển.