Hội thảo quản lý tầng chứa nước ven biển (APCAMM) tháng 7/2017
Trong hai ngày 17 và 19 tháng 7 năm 2017, tại trường Đại học Đà Nẵng, Hội thảo khoa học Quản lý tầng chứa nước (TCN) ven biển khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APCAMM) đã được trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội phối hợp với trường Đại học Mỏ-Địa chất và trường Đại học Đà Nẵng tổ chức. Đây là Hội thảo APCAMM lần thứ 5, được tổ chức định kỳ với mục tiêu chung là tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị về các vấn đề ưu tiên liên quan đến TCN ven biển trong khu vực.
Dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN) đã tài trợ kinh phí cho 16 cán bộ của Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) tham dự Khóa tập huấn 2 ngày về mô hình SEAWAT trong khuôn khổ APCAMM và tham dự Hội thảo khoa học. Đây là một trong những hoạt động giúp tăng cường năng lực chuyên môn kỹ thuật cho nguồn nhân lực của NAWAPI trong khuôn khổ Dự án IGPVN Pha I.
Hơn 130 đại biểu đến từ Mỹ, Úc, Trung Hoa, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đã tham dự sự kiện APCAMM.
Hội thảo được tổ chức thành các phiên làm việc với các chủ đề khác nhau:
– Lập mô hình số địa chất thủy văn (ĐCTV)
– Điều tra đánh giá, quản lý TCN ven biển
– Địa hóa đồng vị
– Tác động của xâm nhập mặn (XNM), biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với TCN ven biển
Bài trình bày của TS. Phạm Huy Giao (AIT – Thái Lan) đã làm rõ các khái niệm về hạ thấp mực nước do khai thác NDĐ. Sụt lún mặt đất là quá trình phổ biến đang diễn ra ở hầu hết các đồng bằng châu thổ. Để kiểm soát được quá trình sụt lún mặt đất, vấn đề cốt lõi là cần phân tách giữa sụt lún mặt đất do khai thác NDĐ với sụt lún mặt đất gây ra bởi các yếu tố khác.
Nhóm nghiên cứu của GS. Park Namsik đến từ Đại học Đông A (Hàn Quốc) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu rất mới về bổ cập nhân tạo, ngăn ngừa XMN, kiểm soát sụt lún mặt đất do khai thác quá mức, quan trắc ranh mặn – nhạt cho TCN ven biển.
Nhóm nghiên cứu của PGS, TS. Phạm Quý Nhân (Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội) đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc và điều kiện thành tạo các tầng nước mặn cổ ở Đồng bằng sông Hồng. Xây dựng mô hình dòng chảy NDĐ và mô hình vận chuyển chất tan là công cụ hiệu quả giúp đánh giá và dự báo XNM trong bối cảnh biển đổi khí hậu và nước biển dâng.
PGS, TS. Đặng Đức Nhận (Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội) đã trình bày các kết quả nghiên cứu đồng vị môi trường cho các TCN vùng Đồng bằng Nam Bộ trong khuôn khổ đề tài KC.08.06/11-15. Theo đó, NDĐ vùng Đồng bằng Nam Bộ chủ yếu có nguồn gốc từ nước khí tượng cổ, không được bổ cập từ nước mặt.
Kết quả nghiên cứu của Dự án IGPVN tiến hành ở tỉnh Sóc Trăng dựa trên thành phần đồng vị bền và tuổi tuyệt đối của nước dưới đất (NDĐ) do TS. Hoàng Thị Hạnh trình bày tại Hội thảo cũng cho thấy NDĐ và nước mặt ở đây không có mối quan hệ nào; quá trình bổ cập cho NDĐ (nếu có xảy ra ở bên ngoài biên giới) sẽ không thể giúp khôi phục mực NDĐ đang bị hạ thấp hiện nay.
Các vấn đề hiện hữu đối với TCN ven biển nói riêng và các TCN nói chung đòi hỏi phải có các nghiên cứu chi tiết, đồng bộ, làm công cụ hữu ích cho công tác quản lý tài nguyên nước.
Hội thảo APCAMM tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2019; địa điểm và thời gian sẽ được quyết định bởi Ban tổ chức.