Truyền thông về tài nguyên nước tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TT. U Minh, Cà Mau
Tiếp theo các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng của Dự án, ngày 30 và 31/03/2017, IGPVN đã tổ chức truyền thông về tài nguyên nước cho cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh, Cà Mau.
Hơn 20 cán bộ và giáo viên của Nhà trường đã được tập huấn các nội dung về tài nguyên nước và nước dưới đất. Giáo viên tham gia tập huấn là người giảng dạy các bộ môn khác nhau như Vật lý, Ngữ văn, Anh văn, Lịch sử, Kỹ thuật, Mỹ thuật, Âm nhạc, Địa lý, Thể dục, Toán và Công nghệ nhưng đều rất quan tâm đến chủ đề tài nguyên nước vì nó ảnh hưởng tới mọi hoạt động hàng ngày, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cán bộ giáo viên trong trường đã được nghe những chia sẻ về tổng quan tài nguyên nước trên thế giới và Việt Nam, các vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các khái niệm về dấu chân nước, nước ảo và tài nguyên nước trong thế kỷ 21. Những con số về lượng nước cần để sản xuất ra các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm như 1kg thịt bò cần 15.500 lít nước có thể đã thay đổi góc nhìn của học viên về các hoạt động tiêu dùng hàng ngày.
Ý thức được sự khan hiếm của nước sạch đang trở thành vấn đề toàn cầu, phần trình bày về nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung chủ yếu vào tỉnh Cà Mau. Bài trình bày của TS. Armin Pechstein tập trung vào các thách thức của địa phương như nhiễm mặn nước dưới đất, sụt lún nền đất do khai thác nước quá mức. Bài trình bày cũng giúp hiểu rõ về tình hình nước dưới đất tại U Minh cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học mà Dự án đang tiến hành tại trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh nơi dự án tiến hành khoan giếng quan trắc và các hoạt động điều tra địa chất thủy văn trong năm 2016.
Ngoài ra, nhóm Green View cũng chia sẻ một số video clip về tài nguyên nước cũng như các giải pháp giáo dục nâng cao nhận thức về tài nguyên nước trong cộng đồng. Bức thư viết năm 2070 là những tiên tri có tác động mạnh đến ý thức bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước cho thế hệ mai sau. Với sự kết hợp giữa các kiến thức khoa học và thông tin truyền thông, buổi trao đổi của Dự án và cán bộ giáo viên trong trường hy vọng đã mang lại những ấn tượng ban đầu về tài nguyên nước và gợi mở để giáo viên tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu và lồng ghép thông tin về tài nguyên nước trong các nội dung bài giảng của mình sau này.
Dự án tiếp tục tiến hành các hoạt động truyền thông đối với học sinh của trường trong ngày tiếp theo. Hơn 400 học sinh ở tất cả các lớp từ 6 đến 9 đã tham gia chương trình kéo dài 1 ngày tại Nhà văn hóa thiếu nhi của huyện. Học sinh được tham gia tương tác với trò chơi thực tế ảo do Greenview hướng dẫn, được nghe giải thích về vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên, xem mô hình trực quan tương tác giữa nước mặt và nước dưới đất, cách thức các chất gây ô nhiễm đi vào trong nước dưới đất ảnh hưởng đến nước uống. Các em cũng được nghe giải thích về sự khác biệt của hai ngôi làng, một làng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên nước và ngược lại, một làng không quan tâm bảo vệ nguồn nước. Qua đó, học sinh biết được các hoạt động cần thiết để bảo vệ môi trường và nguồn nước cũng như không thực hiện các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, khoảng 50 học sinh mỗi khối tham gia vào cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu về tài nguyên nước.
Học sinh các khối đã tham gia rất tích cực trong tất cả các hoạt động của buổi truyền thông. Các em cũng trả lời câu hỏi của cuộc thi rất tốt. Có 5 em các khối 6 và 8 đã giành được giải thưởng của cuộc thi. Đặc biệt 1 em khối 9 đã xuất sắc về đích và giành được phần thưởng cao nhất của cuộc thi.
Sự kiện truyền thông hai ngày tại trường THCS Nguyễn Thái Bình đã đạt được mục tiêu đề ra. Hy vọng những hoạt động nối tiếp sự kiện trên bao gồm cuộc thi tìm hiểu về tài nguyên nước cho học sinh của trường sẽ nâng cao nhận thức cho học sinh trong vấn đề tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương. Không dừng lại ở đó, bảo vệ tài nguyên nước sẽ ngày càng được đông đảo cộng đồng trong thị trấn U minh hưởng ứng.