Hội thảo quản lý tổng hợp tài nguyên nước: Lấy ý kiến hoàn thiện hai cuốn Sổ tay hướng dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về Tài nguyên nước

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý TNN cũng như thực tiễn áp dụng, tuân thủ các quy định pháp luật về TNN của các đối tượng sử dụng nước trên địa bàn, Sở TNMT Sóc Trăng đã đề xuất biên soạn 2 cuốn: Sổ tay Hướng dẫn quản lý TNN dùng cho cán bộ địa phương và Sổ tay Hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực TNN dùng cho doanh nghiệp. Dự án IGPVN đã phối hợp với tổ soạn thảo Phòng TNN-KS-KTTV, Sở TNMT Sóc Trăng cùng biên soạn 2 cuốn sổ tay này. Nhằm hoàn thiện nội dung 2 cuốn Sổ tay, trong 2 ngày 30 và 31 tháng 5 năm 2017, Dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN) đã phối hợp với Sở TNMT Sóc Trăng tổ chức Hội thảo quản lý tổng hợp Tài nguyên nước với chủ đề “Lấy ý kiến hoàn thiện hai cuốn Sổ tay hướng dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

Hơn 60 đại biểu từ các cơ quan quản lý TNN các cấp, một số doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng, Trung tâm NS và VSMT NT Sóc Trăng và Sở TNMT các tỉnh lân cận gồm Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau đã tham dự Hội thảo. Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long đảm nhiệm vai trò điều phối hội thảo.

Ông Florian Jenn, Quyền cố vấn trưởng Dự án phát biểu tại Hội thảo

Trong ngày làm việc thứ nhất, đại diện tổ soạn thảo, ông Đồng Thống Nhất – trưởng phòng TNN-KS-KTTV, Sở TNMT Sóc Trăng đã tổng kết quá trình soạn thảo 2 cuốn sổ tay và tóm lược cấu trúc, nội dung 2 cuốn sổ tay. Đến thời điểm hiện tại, tổ soạn thảo đã hoàn thành cuốn sổ tay cán bộ gồm 7 chương và sổ tay doanh nghiệp gồm 10 chương. Thực chất việc soạn thảo này là tập hợp các nội dung, chủ đề cần quan tâm từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được ban hành ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; và sắp xếp, trình bày theo một trình tự phù hợp cho việc tra cứu, sử dụng thông tin của đối tượng sử dụng sổ tay.

Điều phối Hội thảo chia nhóm và đề xuất nhiệm vụ cho mỗi nhóm

Dưới sự hướng dẫn của Điều phối viên, các thành viên tham gia Hội thảo đã được chia thành 8 nhóm để tiến hành thảo luận góp ý cho các chương của Sổ tay theo các tiêu chí sau: (i) cấu trúc sổ tay, (ii) cơ sở pháp lý, (iii) nội dung soạn thảo, (iv) khả năng áp dụng, tra cứu, (v) ý kiến đóng góp khác. Thành viên của mỗi nhóm gồm cả cán bộ làm công tác quản lý TNN và đại biểu đến từ doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước. Mỗi nhóm có nhiệm vụ tối thiểu là nghiên cứu, góp ý cho 3 chương được giao; ngoài ra, các ý kiến đóng góp cho các nội dung còn lại đều rất được hoan nghênh.

Sau nửa ngày nghiên cứu nội dung sổ tay và thảo luận, mỗi nhóm cử một đại diện trình bày các ý kiến nhận xét, góp ý trước toàn bộ đại biểu tham dự hội thảo. Nhìn chung, nhận xét của các nhóm đều khá tập trung, bám sát các tiêu chí đưa ra. Theo đó, Sổ tay cán bộ cần xem xét để cấu trúc lại các chương cho phù hợp và nên bổ sung thêm phần “Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TNN ở địa phương” vì đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý TNN ở địa phương. Sổ tay doanh nghiệp cần xem xét bổ sung thêm phần Phụ lục gồm các mẫu hồ sơ đăng ký, bảng biểu báo cáo và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng một số nội dung mà doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định (ví dụ: quan trắc mực nước, chất lượng nước…) để tiện cho doanh nghiệp tra cứu, áp dụng. Hội thảo đã thống nhất sau khi Tổ soạn thảo điều chỉnh sổ tay theo các ý kiến đóng góp sẽ gửi lại cho các đại biểu qua email để xin ý kiến lần cuối.

Làm việc theo nhóm

Trong ngày làm việc thứ hai, Hội thảo đã dành thời gian để đại diện các bên liên quan chia sẻ thông tin về hiện trạng khai thác sử dụng và quản lý TNN; và sử dụng 2 cuốn Sổ tay để tra cứu thông tin, giải quyết các tình huống được nêu ra.

Bảy tình huống liên quan đến các vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng TNN đã được nêu ra cho các nhóm thảo luận và giải quyết.

Bốn bài tham luận trình bày tại Hội thảo đã mang đến nhiều thông tin đáng lưu ý. Thông tin chia sẻ của Sở TNMT Bạc Liêu cho thấy năng lực cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế nên việc khai thác NDĐ tự phát là rất phổ biến, dẫn đến nhiều hệ lụy. Khai thác NDĐ quá mức là một thực trạng đang diễn ra ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, việc khai thác sử dụng NDĐ cho nuôi trồng thủy sản không chỉ làm sụt giảm nhanh chóng mực NDĐ mà còn gây ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản không được xử lý. Rõ ràng là chỉ có làm tốt công tác quản lý TNN mới giúp giải quyết được các vấn đề nêu trên.

Là một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty TNHH MTV cấp nước Sóc Trăng đã có các định hướng rất đúng đắn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn TNN có nhiều biến động tiêu cực: sử dụng thêm nguồn nước mặt từ sông, kênh rạch; đầu tư xây dựng hồ chứa dung tích lớn để đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy cấp nước; khai thác NDĐ luân phiên giữa các giếng nhằm gia tăng khả năng phục hồi của TCN và hạn chế xâm nhập mặn; đầu tư công nghệ sản xuất giúp xử lý tốt nguồn nước đầu vào.

Trung tâm NS và VSMT NT Sóc Trăng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn vốn đang tập trung khai thác nguồn NDĐ từ tầng Pleistocene và một phần từ tầng Miocene. Nhìn chung, đơn vị này còn có nhiều khó khăn, hạn chế trong vấn đề đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn: chỉ dựa hoàn toàn vào nguồn nước ngầm, không đủ năng lực kiểm soát thất thoát nước và lắp đặt mạng lưới hạ tầng cấp nước.

Vấn đề đặt ra là nên chăng cần thống nhất công tác cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thay vì phân chia thành 2 bộ phận cấp nước thành thị và cấp nước nông thôn như hiện nay?

TS. Hoàng Thị Hạnh – Chuyên gia Dự án IGPVN – đề xuất các khuyến nghị và giải pháp cho công tác quản lý TNN ở Sóc Trăng

Trong phần trình bày về Khuyến nghị và giải pháp cho công tác quản lý NDĐ ở Sóc Trăng, chuyên gia dự án IGPVN – TS. Hoàng Thị Hạnh – đã nêu lên vai trò của quy hoạch TNN trong công tác quản lý TNN; định hướng đúng đắn trong quản lý khai thác các TCN nhạt, TCN nhiễm mặn. Cần hiểu rằng quản lý TNN không phải là dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn cấm mà phải đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của các bên liên quan, trong đó ưu tiên hàng đầu là nước sinh hoạt. Một mô hình cấp nước sinh hoạt đã được đề xuất trong đó có phân chia trách nhiệm cho các bên và giúp đảm bảo chất lượng, số lượng nước cấp và ổn định giá thành nước sinh hoạt. Theo đó, các nhà máy xử lý nước có trách nhiệm khai thác theo quy định hiện hành, đầu tư công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt và bán nước thành phẩm cho một công ty kinh doanh nước sạch. Công ty này chịu trách nhiệm đầu tư lắp đặt mạng lưới đường ống cấp nước và đồng hồ đo nước, định giá nước sạch bán cho người dân. Các nhà máy xử lý nước có thể được hưởng ưu đãi về vay vốn, giảm thuế tài nguyên; công ty kinh doanh nước sạch có thể được hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp. Mô hình thu gom nước mưa cũng được khuyến khích nhân rộng giúp người dân tận dụng được nguồn nước mưa, giảm chi phí nước sinh hoạt khi sử dụng nguồn nước cấp. Ngoài ra, một giải pháp tình thế – Hệ thống chưng cất nước mặn/lợ dùng năng lượng mặt trời – cũng được đề xuất để giúp cung cấp nước ăn uống cho người dân trong thời gian hạn hán, khan hiếm nước. Mục tiêu của quản lý TNN là nhằm khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững nguồn TNN.

Có thể nói, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Sau khi hoàn thiện, 2 cuốn Sổ tay sẽ được phổ biến rộng rãi đến các cán bộ quản lý TNN các cấp và các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sổ tay này cũng phù hợp cho các tỉnh khác tham khảo, sử dụng.

You may also like...