Tập huấn “Khoanh đới bảo vệ nước dưới đất tại Việt Nam”
Trong 2 tuần từ 15/7/2013 đến 26/7/2013, tại khách sạn Hanoi Club, Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) đã tổ chức một khóa tập huấn về “Khoanh đới bảo vệ nước dưới đất tại Việt Nam”.
Khóa tập huấn do TS. Armin Margane, chuyên gia Địa chất thủy văn của Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên CHLB Đức (BGR), phụ trách. TS. Armin Margane là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khoanh đới bảo vệ nước dưới đất (KĐBVNDĐ), vốn đã và đang phụ trách nhiều dự án của BGR triển khai ở một số nước vùng Trung Đông về lĩnh vực này.
Tham gia khóa tập huấn có 17 học viên là cán bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (TT QH&ĐT TNN QG), cán bộ của ba Liên đoàn trực thuộc TT QH&ĐT TNN QG, cán bộ Sở TN&MT Hà Nội, cán bộ Sở TN&MT Nam Định, cán bộ giảng viên khoa Địa chất – trường Đại học Mỏ Địa chất và cán bộ kỹ thuật của Dự án IGPVN.
Trong thời gian hai tuần diễn ra khóa tập huấn, các học viên đã được làm quen với chương trình KĐBVNDĐ của nhiều nước trên thế giới, các phương diện pháp lý cũng như các khía cạnh thực tiễn trong quá trình thực thi KĐBVNDĐ. Các học viên đã nắm bắt được các thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc KĐBVNDĐ, phương pháp KĐBVNDĐ cho tầng chứa nước lỗ hổng, tầng chứa nước karst. Nội dung chi tiết của một báo cáo KĐBVNDĐ được vạch rõ. Ngoài ra, TS Margane còn cung cấp cho các học viên nhiều tài liệu tham khảo chi tiết về việc KĐBVNDĐ, thành lập bản đồ nhạy cảm thương tổn NDĐ. Trong quá trình tập huấn, các học việc đã tích cực thảo luận về những nội dung liên quan đến chất lượng NDĐ: các nguồn gây ô nhiễm NDĐ, vấn đề bảo vệ NDĐ, vấn đề cấp phép sử dụng đất, vấn đề xử lý chất thải rắn, vấn đề xử lý nước thải ở Việt Nam.
Bãi giếng Nam Dư ở phía nam Hà Nội, thuộc Nhà máy nước Nam Dư đã được lựa chọn làm vùng nghiên cứu thí điểm. Các học viên tham gia khóa tập huấn cùng với người hướng dẫn, cố vấn trưởng của Dự án và lãnh đạo TT QH&ĐT TNN QG đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Nhà máy nước Nam Dư, thu thập các tài liệu liên quan đến quá trình thi công bãi giếng, lưu lượng khai thác, chất lượng nước… Ngoài ra, các học viên đã tiến hành lấy mẫu nước từ các giếng khai thác của Nhà máy nước Nam Dư để xác định hàm lượng đồng vị bền (2H, 18O) và đồng vị phóng xạ (3H) nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu nguồn gốc và tuổi của NDĐ.
Nhà máy nước Nam Dư là một trong số 12 nhà máy nước trực thuộc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đang khai thác nước ngầm từ tầng Pleistocen để xử lý và cấp nước. Các giếng ở đây được khoan dọc theo bờ sông Hồng bắt đầu từ năm 2004 và nằm cách nhau 250 – 300 m. Đến nay, Nhà máy nước Nam Dư có tổng cộng 20 giếng với lưu lượng khai thác khoảng 53000 m3/ngày đêm. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng mức độ khai thác như vậy sẽ có thể thúc đẩy sự xâm nhập của các chất ô nhiễm (vật chất hữu cơ, các hợp chất của nitơ, chất dinh dưỡng…) từ nước sông Hồng vào trong tầng chứa nước vùng Nam Dư qua quá trình thấm lọc tự nhiên. Có thể thấy, việc KĐBVNDĐ cho vùng bãi giếng Nam Dư là một việc làm hết sức quan trọng và thiết thực.
Các học viên tham gia khóa tập huấn này sẽ cùng nhau xây dựng một báo cáo KĐBVNDĐ cho vùng bãi giếng Nam Dư và dự kiến sẽ có một Hội thảo do IGPVN tổ chức để công bố các kết quả này.