Hội thảo lập kế hoạch cho dự án giai đoạn 2015 – 2017

CL1Ngày 1/6/2015, tại khách sạn Pullman Hà Nội, dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN) đã tổ chức hội thảo lập kế hoạch cho giai đoạn 2015-2017 nhằm xây dựng danh mục các hoạt động của dự án và đề ra thời gian thực hiện. Trong thời gian hai năm rưỡi, dự án sẽ tập trung vào vấn đề tăng cường bảo vệ nước ngầm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội thảo gồm có bà Dorit Lehrack – cố vấn thường trực dự án IGPVN và ông Florian Jenn – chuyên viên địa chất thủy văn, thường trực dự án IGPVN. Hai đại diện của Viện Khoa học Địa chất và tài nguyên Liên bang Đức (BGR): bà Christiane Molt – điều phối viên các dự án khu vực châu Á và châu Đại Dương, TS. Roland Baeumle – chuyên gia địa chất thủy văn cũng tham gia thảo luận tại đây. Các đại biểu của Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (NAWAPI) và các liên đoàn trực thuộc Trung tâm đã nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến cho các hoạt động của dự án. Ngoài ra, tiến sĩ Christian Henkes – giám đốc chương trình Quản lý tổng hợp đới bờ (ICMP-GIZ) cũng đã góp mặt tại hội thảo và chia sẻ một số thông tin liên quan.

CL2

Theo bà Christiane Molt, ý tưởng về dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi xướng từ tháng 7/2013 trong cuộc họp tham vấn hai chính phủ Đức – Việt, gồm 3 hợp phần chính: i) hỗ trợ tư vấn chính sách; ii) hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và iii) nâng cao nhận thức.

Ông Florian Jenn đã tóm lược tình hình chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật mà phía BGR có thể đáp ứng cho phía NAWAPI. Đồng thời, ông cũng nêu rõ các thế mạnh, các nguồn lực sẵn có của NAWAPI làm tiền đề hợp tác triển khai thực hiện dự án.

Trong ngày làm việc thứ nhất, hội thảo đã chia làm hai nhóm để thảo luận, đề xuất các hoạt động của dự án và thời gian tiến hành. Kết quả thảo luận của mỗi nhóm sẽ được trình bày trong ngày hôm sau.

 

CL3

Qua thảo luận, BGR và NAWAPI đã nhất trí triển khai thực hiện dự án theo các nội dung sau đây:

1) về tư vấn chính sách: Xây dựng (i) thông tư hướng dẫn điều tra, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; (ii) thông tư hướng dẫn phân vùng bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất.

Quy trình xây dựng thông tư cũng đã được vạch rõ: (i) xây dựng đề cương; (ii) viết dự thảo thông tư; (iii) tổ chức hội thảo xin ý kiến chuyên gia, tỉnh và BGR; (iv) hoàn thiện thông tư; (v) trình phê duyệt và ban hành thông tư; (vi) tập huấn phổ biến để triển khai thực hiện.

2) về hỗ trợ kỹ thuật: Tập trung nghiên cứu các vấn đề (i) cửa sổ địa chất thủy văn; (ii) nguồn gốc và bổ cập nước dưới đất; (iii) sụt lún đất do khai thác nước dưới đất; (iv) xâm nhập mặn.

3) về nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, tăng cường mạng lưới hoạt động: tiến hành truyền thông với nhiều hình thức khác nhau (thiết kế tờ rơi, thiết kế trò chơi ứng dụng trên điện thoại thông minh, tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu về lĩnh vực tài nguyên nước cho đối tượng sinh viên đại học, tổ chức seminar khoa học cho sinh viên đại học, thực hiện 2 bản tin phát sóng trên đài phát thanh truyền hình địa phương, tham gia tổ chức lễ mittinh kỷ niệm ngày Nước thế giới, xây dựng một mô hình lưu vực sông); tổ chức hội thảo quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của NAWAPI, đồng thời cử cán bộ của NAWAPI đi tham quan học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước.

CL4

Nhìn chung, sau hơn một ngày làm việc tập trung và hiệu quả, hội thảo lập kế hoạch dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là xây dựng danh mục các hoạt động của dự án và đề ra thời gian thực hiện và hoàn thành. Đây sẽ là tiền đề để tổ chức một hội thảo giữa các thành viên Ban quản lý dự án nhằm xây dựng ma trận giám sát chi tiết các hoạt động và kết quả của dự án.

(IGPVN)

 

You may also like...