Bài phát biểu tại hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị”
Kính thưa Bà An-net-te Frick – Bí thư thứ nhất của ĐSQ Đức tại Hà Nội
Kính thưa TS.Ar-ne Hoff-mann-Rothe- Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế khu vực Châu Á và Châu Đại Dương
Thưa quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các vị khách quý trong nước và quốc tế
Trước hết, cho phép tôi thay mặt Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cảm ơn và nhiệt liệt chào đón Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đại diện Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các vị khách quý đến dự buổi hội thảo hôm nay.Thưa quý vị đại biểu,
Như quý vị đã biết, nước dưới đất luôn là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và đời sống của con người. Theo tổ chức môi trường của liên hợp quốc (UNEP), hiện nay có khoảng trên 50% dân số toàn cầu sử dụng nước dưới đất cho ăn uống. Với ưu điểm vượt trội so với các nguồn nước khác như: trữ lượng lớn, chất lượng tốt, ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất thường của thời tiết, khai thác thuận lợi, chi phí đầu tư thấp…v.v, nước dưới đất đang ngày càng được quan tâm ở rất nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Việt nam cũng là một trong những quốc gia mà nước dưới đất là nguồn cung cấp nước chủ yếu từ lâu đời với lưu lượng khai thác ngày càng tăng. Hiện nay, phần lớn các tỉnh thành trong cả nước đều đang khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt sản xuất, trong đó một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,…thậm chí gần như sử dụng 100% nước dưới đất cho ăn uống sinh hoạt. Việc khai thác quá mức trong khi hiểu biết về hệ thống nước dưới đất còn hạn chế, quy hoạch vị trí bãi giếng chưa hợp lý, chính sách quản lý, bảo vệ vẫn đang được hoàn thiện… đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước và các hoạt động KT – XH ở rất nhiều địa phương trong cả nước.
Thưa quý vị đại biểu,
Từ nhiều thập kỷ nay, Việt Nam và CHLB Đức luôn có mối quan hệ, hợp tác song phương truyền thống tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy hai nước cách xa nhau về mặt địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng và có lẽ đó là những sợi chỉ đỏ gắn kết hai dân tộc gần gũi với nhau. Từ năm 1990 đến nay Đức đã cam kết viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam lên tới 1,8 tỉ Euro, trong đó hỗ trợ Tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên nước, đang là những ưu tiên hàng đầu của các chương trình hợp tác.
Năm 2009, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được Bộ TNMT giao phối hợp với Viện BGR thực hiện dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu vực đô thị”. Sau 5 năm thực hiện Dự án với 5 tỉnh thí điểm bao gồm Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, đến nay dự án về cơ bản đã được hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong đó, điển hình phải kể đến:
(1) Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ về nhận thức, năng lực, kinh nghiệm và vị thế của mình. Sau 5 năm kể từ khi thành lập, “Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (CWRPI)” đã phát triển thành “Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI)”; Mô hình tổ chức, cơ chế vận hành đảm bảo công tác quan trắc TNN được thống nhất, xuyên suốt cũng đã được hình thành và đưa vào hoạt động một cách có hiệu quả; Thương hiệu và uy tín của của Trung tâm đang dần được khẳng định, một số đề án chính phủ, dự án lớn về lĩnh vực quy hoạch, điều tra, tìm kiếm nguồn nước phục vụ phát triển KTXH đã bước đầu được ký kết, triển khai bởi Trung tâm.
(2) Tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, các đơn vị trực thuộc và Sở TNMT ở các tỉnh vùng dự án về Tiếng Anh, phần mềm bản đồ ArcGIS, Mô hình hóa nước dưới đất GMS, Thủy địa hóa, Giải đoán thông số địa chất thủy văn từ bơm thí nghiệm hiện trường, Khoanh đới Bảo vệ nước dưới đất; v.v.
(3) Trang bị phương tiện đi lại và một số thiết bị phục vụ các hạng mục công việc của dự án và các nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm và các tỉnh của dự án;
(4) Xây dựng, nâng cấp mạng quan trắc tự động và mô hình số nước dưới đất để làm công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát tài nguyên quý giá này. Cụ thể, dự án xây dựng 40 lỗ khoan quan trắc trong đó Nam định 23 lỗ khoan , Sóc Trăng 5 lỗ khoan, Quảng Ngãi 12 lỗ khoan và xây dựng mô hình số nước dưới đất cho Nam Định và Quảng Ngãi.
(5) Hỗ trợ xây dựng một số Hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, quy hoạch, điều tra, quan trắc và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất;
(6) Tham gia tổ chức thành công lễ kỷ niệm ngày nước thế giới ở Việt Nam và một số chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho người dân các tỉnh trong vùng Dự án;
(7) Nghiên cứu hiện trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước của 5 tỉnh trong vùng dự án.
(8) Tiến hành nhiều đợt khảo sát, lấy mẫu phân tích thành phần hóa học, phân tích đồng vị để đánh giá xâm nhập mặn và chất lượng nước dưới đất ở các tỉnh dự án.
(9) Khoanh vùng đánh giá ô nhiễm Asen dựa trên tài liệu hiện có, điều tra bổ sung và đề xuất mô hình xử lý asen phục vụ cấp nước sinh hoạt quy mô gia đình cho tỉnh Hà Nam.
(10) Xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước dưới đất đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng mô hình thí điểm về khoanh đới bảo vệ công trình khai thác nước tại nhà máy nước Nam Dư; Nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý tổng hợp tài nguyên nước thành phố Hà Nội.
Đến nay, các sản phẩm của dự án về cơ bản đã hoàn thành và bàn giao cho các tỉnh trong vùng dự án để đưa vào khai thác, sử dụng.
Thưa quý vị đại biểu,
Để triển khai dự án thành công, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết nhất trí của Ban quản lý và nhóm thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao từ Lãnh đạo Bộ TNMT, sự giúp đỡ nhiệt tình từ các Vụ chức năng của Bộ chủ quản cũng như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ ngành liên quan khác. Nhân dịp này, thay mặt Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia và nhóm dự án, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ban ngành và địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện và cộng tác trong suốt thời gian vừa qua; xin trân trọng cảm ơn Chính phủ, Bộ Liên bang về Hợp tác và Phát triển, Viện BGR và các chuyên gia Đức đã tài trợ, giúp đỡ và cùng hợp tác thực hiện dự án này; Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhân được sự quan tâm, giúp đỡ và hợp tác hơn nữa của Bộ, ban ngành, địa phương và đối tác Đức cho dự án này trong những giai đoạn tiếp theo.
Một lần nữa, tôi xin kính chúc tất cả quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
Trân trọng cảm ơn!
(TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám Đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia)