Kết quả nghiên cứu của Dự án IGPVN được công bố trên tạp chí Địa hóa Môi trường và Sức khỏe

Bản thảo với tựa đề “Đặc trưng thủy hóa phức tạp của tầng chứa nước Pleistocene giữa-trên ở Sóc Trăng, phía Nam Việt Nam” mới đây đã được duyệt đăng trên tạp chí Địa hóa Môi trường và Sức khỏe (Environmental Geochemistry and Health).

Các kỹ thuật đồng vị môi trường đã được áp dụng để nghiên cứu đặc trưng thủy hóa của nước dưới đất ở Sóc Trăng trong khuôn khổ Dự án Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN). Mẫu nước dưới đất được lấy từ các giếng quan trắc (do Dự án IGPVN mới đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng), giếng quan trắc quốc gia, giếng khoan hộ gia đình và giếng khai thác của trạm cấp nước. Mẫu nước mặt được lấy từ các sông, hồ, kênh rạch xung quanh vị trí lấy mẫu nước dưới đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống tầng chứa nước ở đây rất phức tạp: thành phần đồng vị bền và thành phần thủy hóa của các mẫu nước dưới đất của tầng Pleistocene giữa-trên (qp2-3) khác biệt rất nhiều theo phương ngang. Hơn nữa, các phản ứng oxy hóa-khử xảy ra trong tầng chứa nước từ mùa khô sang mùa mưa cũng chứng tỏ khả năng tương tác của tầng qp2-3 với tầng nằm phía trên. Căn cứ vào thành phần đồng vị bền có thể phân chia các mẫu nước dưới đất tầng qp2-3 thành 2 nhóm riêng biệt: (i) có nguồn gốc từ nước khí tượng cổ nằm trong vùng nước mặn cổ của tầng qp2-3 hoặc (ii) liên quan đến hiệu ứng bốc hơi của nước bổ cập xảy ra trước hoặc trong quá trình thấm xuyên vào tầng chứa nước. Thực chất, một số phần riêng biệt của tầng qp2-3 có thể không có liên hệ thủy lực với nhau. Dữ liệu đồng vị môi trường không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ thủy lực giữa nước sông với tầng qp2-3 cũng như về bổ cập cho tầng qp2-3. Hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra trên sông Hậu trong mùa khô không gây ảnh hưởng cho tầng qp2-3. Tính theo tốc độ di chuyển của nước dưới đất là 3.6 m/năm và 7.8 m/năm thì thời gian cần thiết để nước bổ cập từ ngoài biên giới có thể di chuyển đến được tầng qp2-3 ở Sóc Trăng sẽ lên tới hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn năm. Như vậy nếu chỉ trông đợi vào nguồn bổ cập tự nhiên thì không thể giảm bớt được hiện trạng suy thoái nước dưới đất hiện nay.

You may also like...