Hội thảo về mô hình nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 6 tháng 3 năm 2018, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chủ trì một hội thảo kỹ thuật xem xét hiện trạng áp dụng mô hình trong điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ vùng ĐBSCL và định hướng xây dựng bộ công cụ mô hình phục vụ đánh giá tài nguyên nước – đất.
Tham gia hội thảo gồm có các cán bộ chuyên trách về mô hình và dự báo TNN của NAWAPI, chuyên gia Dự án IGPVN, các chuyên gia độc lập thuộc Hiệp hội ĐCTV Việt Nam, chuyên gia của Dự án ViWAT và chuyên gia của Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL.
Theo tổng kết của TS. Vũ Thanh Tâm (NAWAPI) đến nay đã có nhiều mô hình cả nước mặt và nước dưới đất được xây dựng cho vùng ĐBSCL trong khuôn khổ các đề tài, đề án khác nhau. Phần nhiều trong số đó là không thể tiếp cận được và do vậy, khả năng ứng dụng thực tiễn phục vụ cho công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quản lý TNN là rất hạn chế.
Mô hình GMS dòng chảy NDĐ vùng ĐBSCL do Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS) xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến TN NDĐ vùng ĐBSCL, đề xuất giải pháp ứng phó” (2013), đã bước đầu được sử dụng cho công tác đánh giá, dự báo tài nguyên NDĐ. Mô hình này đã được các chuyên gia của BGR xem xét và đánh giá chi tiết từ bước lập mô hình khái niệm, thiết kế mô hình, xác định điều kiện biên, xác lập vùng dựng mô hình cho đến phần hiệu chỉnh mô hình. Đồng thời, chuyên gia BGR đã tiến hành phân tích thống kê và kiểm tra độ tin cậy của mô hình khi dùng để dự báo mực NDĐ.
Cùng với ông Đặng Trần Trung (Trung tâm cảnh báo và dự báo TNN – CEWAFO), Dự án IGPVN đã đề xuất một số phương án nhằm cải thiện chất lượng của mô hình, như: mở rộng phạm vi mô hình nhằm điều chỉnh và xác lập lại điều kiện biên, hiệu chỉnh lại mô hình bằng các số liệu quan trắc mực NDĐ mới cập nhật ở vùng ĐBSCL để phục vụ dự báo ngắn hạn. Ông Phạm Văn Hùng thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) giới thiệu một mô hình nước dưới đất mới được xây dựng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng gói phần mềm iMOD. Ngoài dòng chảy nước dưới đất, mô hình này còn tích hợp cả dòng chảy phụ thuộc tỉ trọng (đánh giá và dự báo xâm nhập mặn) và sụt lún mặt đất có thể do nguyên nhân khai thác nước dưới đất.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã nêu rõ các vấn đề cần khắc phục khi lập mô hình bao gồm xác định chính xác điều kiện biên; dữ liệu đưa vào (lượng khai thác, lượng bổ cập, mực NDĐ) và độ tin cậy của chúng; mô hình khái niệm phản ánh đầy đủ các cấu trúc địa chất thủy văn, thông số địa chất thủy văn; mô phỏng chi tiết hệ thống dòng chảy mặt; chia nhỏ bước thời gian. Như vậy, Hội thảo này đã cung cấp thêm thông tin liên quan nhằm hỗ trợ NAWAPI trong việc lựa chọn xây dựng mô hình NDĐ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tương lai.