Hội thảo: Bàn giao kết quả dự án Igpvn cho Hà Nam

DSC00798Ngày 14 tháng 4 năm 2014, Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang Đức (BGR), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI) và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam (Ha Nam DONRE) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Bàn giao Kết quả của Dự án IGPVN cho tỉnh Hà Nam trong khuôn khổ của Dự án ODA Hỗ trợ Kỹ thuật của Chính Phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính Phủ Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu đại diện cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam trong đó có các lãnh đạo Sở, Phòng Tài nguyên nước – Khoáng sản và Khí tượng Thủy văn, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường, Chi Cục Bảo vệ Môi trường, đại diện lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, lãnh đạo các Ban và Trung tâm trực thuộc cùng các Chuyên gia của Viện BGR và Nhóm Dự án IGPVN.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước dưới đất tại Hà Nam cung như sự cần thiết phải đầu tư nhiều hơn nữa trong công tác quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước vì sự phát triển bên vững của tỉnh.

Các cuộc điều tra của IGPVN tại Hà Nam cho thấy nước dưới đất ở Hà Nam là nguồn nước có trữ lượng khá dồi dào, có thể khai thác phục vụ các nhu cầu của con người. Tuy nhiên, từ lâu Hà Nam được biết đến như là một tỉnh có mức độ ô nhiễm Asen (As) nghiêm trọng bậc nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Người dân tại vùng khảo sát của Dự án có nhận thức khá rõ ràng về tinh trạng ô nhiễm của nước ngầm nói chung và nhiễm As nói riêng cũng như những nguy cơ và tác hại của việc sử dụng trực tiếp nguồn nước bị nhiễm As đối với sức khỏe. Cần lưu ý rằng mặc dù bể lọc quy mô hộ gia đình có thể loại bỏ phần lớn lượng As trong nước giếng khoan (NGK) nhưng hàm lượng As trong NGK sau lọc trong rất nhiều trường hợp vẫn có thể vượt quá tiêu chuẩn nước uống. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn phải sử dụng nguồn NGK sau lọc do không có nguồn nước sạch nào khác. Việc sử dụng bể lọc nước ở quy mô hộ gia đình về lâu dài chưa phải là một giải pháp an toàn và triệt để.

Các chương trình điều tra, nghiên cứu được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã khắc họa rõ nét hiện trạng ô nhiễm As trong nước ngầm ở đây. Nhiệm vụ cấp thiết cần được triển khai hiện nay là phải giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân bằng cách đảm bảo nguồn nước cấp an toàn, không bị nhiễm As.

Theo đó, các chuyên gia của Dự án đã đưa ra một số khuyến cáo đối với công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất tại Hà Nam, cụ thể như sau.Bể lọc nước quy mô hộ gia đình với thiết kế tiêu chuẩn, đảm bảo hiệu quả lọc Asen và các tạp chất trong nước cần được phổ biến cho người dân và triển khai nhân rộng ở các xã có nước ngầm bị nhiễm As nặng nề. Khảo sát cấu tạo, tình trạng, hiệu quả của bể lọc cũng là việc làm cần thiết, từ đó tư vấn, hỗ trợ người dân cải tạo bể lọc cho đúng quy cách.

DSC00808

Việc xây dựng nhà máy xử lý nước và cấp nước tập trung là một định hướng đúng đắn không thể né tránh và cần được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, các trạm cấp nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân và họ vẫn có nhu cầu khoan giếng lấy nước phục vụ các nhu cầu đời sống và sản xuất. Do vậy, vấn đề quan trọng và có ý nghĩa thiết thực là phải quản lý tình hình xây dựng, khai thác, sử dụng các giếng khoan trên địa bàn tỉnh và tư vấn cho người dân về vị trí khoan giếng, chiều sâu giếng cho phù hợp để hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm As. Các giếng khoan không sử dụng cần được hướng dẫn trám lấp đúng quy định để tránh nguy cơ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước.

Ngoài ra, các chương trình truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương cũng cần được chú trọng và tiếp tục triển khai nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân địa phương về: a) hiện trạng chất lượng nguồn nước; b) cách theo dõi, kiểm tra chất lượng nguồn nước; c) khả năng giảm thiểu ô nhiễm As thông qua bể lọc hộ gia đình; d) cách sử dụng an toàn và hợp lý nguồn nước ngầm bị nhiễm As (tận dụng các nguồn nước sạch thay thế khác như nước mưa, nước giếng đào; tránh sử dụng trực tiếp nước giếng khoan chưa qua xử lý cho bất kỳ mục đích gì; hạn chế sử dụng và tránh gây lãng phí nguồn nước ngầm nhiễm As, cần để dành nguồn nước này phục vụ các nhà máy xử lý cấp nước tập trung sẽ được xây dựng trong tương lai). Bằng cách này có thể đảm bảo nguồn nước ngầm mà người dân Hà Nam khai thác và sử dụng sẽ đạt tiêu chuẩn nước uống.

Trong phát biểu của mình, Cố vấn trưởng Dự án ông Jens Boehme cho rằng mặc dù Dự án IGPVN chỉ mới thực hiện một bước đi nhỏ trong công tác quản lý nước dưới đất nhưng khẳng định đây là bước đi quan trọng. IGPVN hy vọng tất cả các hoạt động, các đợt thực địa và các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của Dự án IGPVN sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi. Thông điệp Chuyên gia muốn gửi tới là đã đến lúc phải hành động. Bảo vệ nước dưới đất là một quá trình lâu dài và cần nhiều nỗ lực, đầu tư cũng như sự đồng tâm của cả cộng đồng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam ông Vũ Hữu Song nhất trí với các chuyên gia rằng HàNam cần tăng cường đầu tư hơn nữa vào tài nguyên nước. Ông thừa nhận Hà Nam đang rất cần lập quy hoạch quản lý tài nguyên nước trên toàn tỉnh để đảm bảo sử dụng hiệu quả và quản lý tài nguyên nước dưới đất.

anh_dep

(IGPVN)

You may also like...