Kể từ khi ban hành chính sách cải cách cơ bản về chính trị và kinh tế được biết đến với tên gọi chính sách Đổi Mới và giữa những năm 1980s, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể, đưa đất nước chuyển mình từ một quốc gia thuộc loại nghèo nhất trên Thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế quá nhanh của Việt Nam cũng làm gia tăng sức ép lên môi trường sống và nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên nước. Điều kiện môi trường ở nhiều vùng tại Việt Nam đang bị tàn phá nhanh chóng, đặc biệt là ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng châu thổ vốn là nơi đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và hoạt động phát triển phía thượng nguồn.
Do nước mặt ở vùng đồng bằng châu thổ đang ngày càng bị nhiễm mặn, ô nhiễm, trở nên khan hiếm và không ổn định, nước dưới đất trở thành mối quan tâm chính. Điều này đã trở nên rõ ràng sau sự kiện hạn hán lịch sử năm 2016 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi nước ngọt trở nên khan hiếm trên phần lớn diện tích vùng đồng bằng gây nên những tác động nghiêm trọng đến môi trường, dân cư và kinh tế. Ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng, nước dưới đất hiện giờ là nguồn nước chính để uống và dùng cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các kế hoạch phát triển đầy tham vọng cũng đều có nhu cầu sử dụng nước dưới đất ngày càng nhiều. Tuy vậy, việc dựa dẫm ngày càng nhiều vào nguồn nước dưới đất không chỉ là một phần giải pháp mà cũng là một phần rắc rối bởi lẽ có một số yếu tố khiến cho nước dưới đất không thể là nguồn nước an toàn cho các hoạt động kinh tế, thương mại cho tương lai.
Việc bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước dưới đất là thiết yếu để duy trì sự sống và phát triển kinh tế ở những vùng ven biển và đồng bằng châu thổ của Việt Nam. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình được xem là đặc biệt nghiêm trọng và vấn đề cấp nước đã chịu tác động đáng kể. Nếu không cải thiện các quy định và công tác quản lý nước dưới đất, song song với việc xác định nguồn nước thay thế và cơ sở hạ tầng cấp nước thì gần như không thể đạt được mức phát triển nhanh chóng trong trung hạn và dài hạn.
Nguồn bổ cập hạn chế
được ngăn cách với bề mặt bởi nhiều lớp sét không thấm nước, các tầng nước ngầm sâu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nhận được lượng bổ cập rất hạn chế. Sẽ mất tới hàng chục ngàn năm để nước từ trên mặt đất ở những vùng bổ cập có thể thấm xuyên qua các lớp trầm tích để xuống đến và bổ sung thêm cho các tầng chứa nước ở những vùng điểm nóng nơi nước dưới đất đang bị khai thác mạnh mẽ. Ở những vùng này thường thì lưu lượng khai thác đã vượt quá lượng bổ cập; và việc khai thác không bền vững như vậy có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Dữ liệu quan trắc mực nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy mực nước dưới đất đã và đang hạ thấp đáng kể trong tất cả các tầng chứa nước có hoạt động khai thác. Xem xét một cách cục bộ, các tầng chứa nước kể cả tầng nông lẫn tầng sâu đều đang dần cạn kiệt.
Xâm nhập mặn
Phần lớn lượng nước dưới đất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nước lợ đến mặn một cách tự nhiên và các thể nước ngầm nhạt – đôi khi tồn tại dưới dạng túi nước ngọt – là đặc biệt dễ tổn thương và nhanh suy thoái. Việc khai thác nước dưới đất thiếu kiểm soát ở vùng này có thể làm linh động hóa các thể nước mặn hoặc dẫn đến việc xâm nhập của nước biển vào sâu trong đất liền khiến cho toàn bộ nguồn tài nguyên nước trở nên mặn hóa và không còn thích hợp cho các hoạt động sử dụng nước của con người, sản xuất nông nghiệp và thậm chí là nuôi trồng thủy sản. Quá trình này thường diễn ra một cách âm thầm và không quan sát được; cho đến khi các dấu hiệu nhiễm mặn xuất hiện thì thường là đã quá trễ để thực thi các hoạt động giảm thiểu.
Ô nhiễm
xả thải từ hoạt động nông nghiệp và công nghiệp ở vùng đồng bằng đã gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây cùng với việc gia tăng dân số. Nguồn nước sạch bị ô nhiễm do các hóa chất nông nghiệp và chất thải được xả thải không đúng quy cách ra môi trường ngấm vào các tầng chứa nước. Trong khi các tầng chứa nước ngầm sâu được bảo vệ tự nhiên bởi các lớp sét nằm phía trên, việc khoan nước dưới đất không đảm bảo kỹ thuật, quản lý chưa đúng mức các giếng khai thác và giếng không sử dụng cùng với việc khai thác nước dưới đất quá mức có thể dẫn đến hiện tượng thấm xuyên của các chất ô nhiễm từ trên bề mặt vào sâu trong các tầng chứa nước, gây đe dọa cho các nguồn nước này.
Sụt lún mặt đất
Việc khai thác nước dưới đất quá mức có thể đẩy nhanh quá trình sụt lún mặt đất do các lớp trầm tích trẻ sẽ trở nên chặt xít khi áp lực lỗ hổng giảm xuống (do khai thác nước dưới đất). Quá trình này phổ biến là không thuận nghịch. Mặc dù có những yếu tố khác góp phần vào quá trình sụt lún mặt đất, việc khai thác nước dưới đất được xem là nhân tố đặc biệt quan trọng nếu không muốn nói là chủ đạo. Tốc độ sụt lún mặt đất cao được quan sát thấy ở những khu vực phát triển tập trung với những tác động dân sinh lên các hình thái sử dụng đất. Hiện tượng sụt lún mặt đất cũng bổ sung thêm một khía cạnh mới vào cuộc thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến vùng ven biển bởi lẽ tốc độ sụt lún mặt đất hàng năm quan trắc được có thể vượt quá tốc độ mực nước biển dâng theo dự báo. Nếu điều này được xác nhận là đúng thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ chìm dần do mặt đất lún xuống chứ không phải do nước biển dâng.