Nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên Thế giới. Do nước mặt ngày càng bị nhiễm mặn, ô nhiễm và không đáng tin cậy nên sự chú ý đang chuyển sang nước ngầm. Nước ngầm hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước và sinh kế, là nguồn nước dự phòng chính trong các đợt hạn hán, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Tầm quan trọng của nó chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự phát triển trên thượng nguồn và trong nội tại, tất cả những điều này có thể sẽ dẫn đến sự giảm lượng nước ngọt sẵn có trong tương lai.
Mặc dù nước ngầm vẫn là nguồn nước ngọt thay thế thu vị, việc phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn nước này có thể trở thành vấn đề. Do bổ cập nước ngầm vào các tầng chứa nước sâu rất hạn chế nên việc khai thác quá mức sẽ dẫn đến suy giảm mực nước và cuối cùng là cạn kiệt. Nước ngầm thường có tính chất lợ đến mặn tự nhiên và nguồn nước nhạt có xu hướng bị suy thoái. Ô nhiễm từ các hoạt động của con người tiếp tục làm suy thoái nguồn nước ngầm nông, khiến nó không còn phù hợp để khai thác sử dụng. Khai thác nước ngầm cũng được coi là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng sụt lún đất tại Đồng bằng Sông Cửu Long, vốn là một khu vực đất trũng và đang phải hứng chịu sự sụt lún với tốc độ đáng kinh ngạc.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu cải thiện các điều kiện để phát triển thích ứng với khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm lộ trình quản lý nước ngầm bền vững và kiểm soát tình trạng sụt lún và xói lở đất. Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về điều phối vùng và quy định thí điểm 593/QD-TTG về điều phối các kế hoạch phát triển, việc thông qua Quy hoạch tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDIRP) vào giữa năm 2022 và các hành động và kế hoạch đầu tư tiếp theo là nền tảng vững chắc để cải thiện các điều kiện hiện tại của Đồng bằng.
Dự án
‘Quản lý nước ngầm và tai biến địa chất thích ứng với biến đổi khí hậu’ (CRMGG) hoạt động dựa trên một số yếu tố chính trong quản lý nước ngầm và tai biến địa chất liên quan đến thích ứng với khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: tăng cường năng lực thể chế và kỹ thuật cấp địa phương và trung ương, phát triển các giải pháp thực tế trên mặt đất và trên ‘đám mây’, đồng thời góp phần vào cách tiếp cận đa ngành dựa trên bằng chứng trong quá trình ra quyết định. Điều này hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược và quy định như được nêu trong Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2022), Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông (2023) và Luật tài nguyên nước sửa đổi (2023).
CRMGG bắt đầu được triển khai từ tháng 7 năm 2022, kế thừa trực tiếp từ Dự án ‘Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam’ (IGPVN) được thực hiện từ năm 2009-2022. Khu vực hoạt động chủ yếu của Dự án là các tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang.
Đối tác
CRMGG là Dự án thuộc quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) Việt Nam và được thực hiện với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia (NAWAPI). Tại khu vực Dự án, CRMGG hợp tác với cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường của địa phương (Sở TNMT) của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang và các bên liên quan khác bao gồm các cơ sở cấp nước.
Hoạt động của Dự án gắn kết chặt chẽ với các sáng kiến của Chương trình hợp tác Việt-Đức, chẳng hạn Chương trình Thích ứng với Biến đổi Khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) của GIZ hợp tác với Bộ NN & PTNT và nhiều dự án nghiên cứu khác. Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE). Dự án nằm trong danh mục chương trình ‘giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu’ của BMZ tại Việt Nam.