Tổng quan Dự án IGPVN (old)

Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) tập trung vào một số nhân tố cốt lõi cho công tác quản lý nước dưới đất bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cải thiện nền tảng thông tin về tài nguyên nước dưới đất và ứng dụng các thông tin này; tăng cường năng lực quản lý nước dưới đất và đóng góp vào một phương thức tiếp cận chặt chẽ, đa lĩnh vực, thực chứng phục vụ cho quy hoạch tài nguyên nước và đưa ra các quyết định. Phía sau các nhân tố này là hoạt động tiếp cận cộng đồng và kết nối thông tin nhằm xây dựng hiểu biết và nâng cao nhận thức về các thách thức và tiềm năng trong công tác quản lý nước dưới đất và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân bất kể rào cản hành chính và chuyên môn.
Phương thức tiếp cận của Dự án IGPVN phản ánh quá trình phát triển ngành và khung pháp lý ngành: (i) chiến lược tăng trưởng xanh (NGGS) năm 2012 và kế hoạch hành động, thiết lập mục tiêu tăng trưởng xanh và môi trường tổng thể trong chương trình quốc gia của Việt Nam, (ii) Luật Tài nguyên nước năm 2012 và sau đó là các Nghị định và Thông tư quy định các khía cạnh khác nhau của công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, quan trắc, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước; và (iii) Nghị quyết của Chính phủ và các kế hoạch liên quan về cơ chế hợp tác vùng năm 2016 và về chống chịu khí hậu và phát triển bền vững năm 2017 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả những điều này đã mang lại cơ hội và tiền đề khuyến khích công tác quản lý bền vững nước dưới đất.
Dự án IGPVN là nỗ lực chung của Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên CHLB Đức (BGR) và Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), phối hợp với các tổ chức đối tác trong lĩnh vực tài nguyên nước ở cấp Trung ương và địa phương.
Dự án IGPVN là sáng kiến chủ đạo về nước dưới đất trong danh mục hợp tác kỹ thuật giữa Đức và Việt Nam, được vận hành triển khai với sự phối hợp chặt chẽ với các hạng mục hợp tác kỹ thuật khác như là Chương trình chống chịu khí hậu tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai bởi Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế CHLB Đức (BMZ) và Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam (MONRE).